Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử Xã Phước Long Thọ
Trang thông tin điện tử
Xã Phước Long Thọ

Tháo gỡ 'điểm nghẽn' trong đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế

18/11/2022 - 10:41

Chiều 7/11, đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã điều hành Tổ thảo luận Số 8 về Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) và Dự án Luật Giá (sửa đổi).

Tổ thảo luận Số 8 gồm các đại biểu của  Đoàn ĐBQH các tỉnh: Sóc Trăng, Cao Bằng, Lâm Đồng và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu thảo luận về Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi). Ảnh: CHÂU VŨ
Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu thảo luận về Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi). Ảnh: CHÂU VŨ

LUẬT ĐẤU THẦU NĂM 2013 BỘC LỘ NHỮNG HẠN CHẾ, BẤT CẬP

Phát biểu thảo luận về Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Yến cho biết, Luật Đấu thầu được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 26/11/2013 (có hiệu lực ngày 01/7/2014); Qua 8 năm tổ chức thi hành, đã phát huy tốt hiệu quả điều chỉnh các hoạt động đấu thầu.

Tuy nhiên trước yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn, phát sinh trong hoạt động lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, trong mua sắm, quản lý sử dụng vốn, tài sản của nhà nước thời gian qua, Luật Đấu thầu năm 2013 đã bộc lộ những hạn chế, bất cập do quy phạm pháp luật điều chỉnh chưa cụ thể hoặc chồng chéo, chưa thống nhất với các quy định của các Luật khác; Quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu còn phức tạp, thời gian lựa chọn nhà thầu kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện đầu tư, mua sắm công; Quy định về kiểm tra, giám sát, chế tài xử lý vi phạm chưa đầy đủ, tình trạng tham nhũng, gian lận, tiêu cực, thông đồng trong đấu thầu diễn biến phức tạp.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến cơ bản thống nhất với một số nội dung của dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) gồm 10 Chương, 98 Điều; so với Luật hiện hành: sửa đổi, bổ sung: 75 Điều; bỏ 12 Điều; bổ sung mới 21 Điều; giữ nguyên 2 Điều. Đồng thời cho rằng, việc Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Đấu thầu năm 2013 là cần thiết, phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn và yêu cầu xây dựng hệ thống pháp luật Việt Nam.

GIẢI QUYẾT VƯỚNG MẮC TRONG ĐẤU THẦU CÁC DỰ ÁN LIÊN QUAN ĐẾN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Qua nghiên cứu Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) và các văn bản luật liên quan, đại biểu Nguyễn Thị Yến nhận thấy: Thời gian qua, đã phát sinh nhiều vướng mắc trong công tác đấu thầu đối với các dự án có liên quan đến quyền sử dụng đất vì quyền sử dụng đất hiện nay đang được điều chỉnh cùng lúc bởi một loạt các văn bản luật liên quan như: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Xây dựng, Luật đấu giá tài sản, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp. Hiện tại, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung, lấy ý kiến trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu.

Quang cảnh phiên thảo luận tổ. Ảnh: CHÂU VŨ
Quang cảnh phiên thảo luận tổ. Ảnh: CHÂU VŨ

Vì vậy, đối với điểm a, khoản 2 - Điều 1 dự thảo Luật quy định điều chỉnh về hoạt động lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư kinh doanh đối với dự án đầu tư có sử dụng đất thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật đất đai, đại biểu Nguyễn Thị Yến đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát kỹ lưỡng, chặt chẽ về sự tương thích pháp luật trong thủ tục quy định hoạt động lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có liên quan quyền sử dụng đất thực hiện đấu thầu trong các đạo luật liên quan.

Đặc biệt là đối với các quy định của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang lấy ý kiến với các quy định điều chỉnh hoạt động này tại dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã tương thích, phù hợp hay chưa. Mặt khác, Ban soạn thảo cần trao đổi rõ hơn về sự tương thích pháp luật trong đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất và chấp nhận nhà đầu tư theo Luật Đầu tư (Điều 29) để làm rõ thêm vấn đề này.

LUẬT HÓA VIỆC ĐẤU THẦU, THUỐC, VẬT TƯ TRANG THIẾT BỊ Y TẾ

Theo đại biểu Nguyễn Thị Yến, hiện nay, để khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế trong thực tiễn, Quốc hội đã cho ý kiến sửa đổi Dự thảo Luật Khám, chữa bệnh, Luật Đấu thầu, Luật Giá, và các dự thảo các nghị định…; Bộ Y tế cũng đang xây dựng và tổ chức lấy ý kiến hoàn thiện Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 15/2019/TT-BYT quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập…

Đoàn ĐBQH tỉnh do bà Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh khảo sát tình hình công tác khám chữa bệnh (KCB) và quản lý mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị y tế tại Bệnh viện Bà Rịa vào ngày 23/9/2022. Ảnh: NGUYỄN THI
Đoàn ĐBQH tỉnh do bà Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh khảo sát tình hình công tác khám chữa bệnh và quản lý mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị y tế tại Bệnh viện Bà Rịa vào ngày 23/9/2022. Ảnh: NGUYỄN THI

Vì vậy, để tạo khung pháp lý thống nhất trên phạm vi toàn quốc và tháo gỡ “điểm nghẽn” trong đấu thầu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, đại biểu Nguyễn Thị Yến đề nghị Ban soạn thảo rà soát, bổ sung, đánh giá toàn diện vướng mắc từ thực tiễn, luật hóa các quy đinh về đấu thầu thuốc, trang thiết bị vật tư cần điều chỉnh vào dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), để tháo gỡ các tồn tại, vướng mắc, đẩy nhanh tốc độ mua sắm, đấu thầu tập trung và đàm phán giá thuốc, theo hướng phân cấp, phân quyền về cơ sở để đảm bảo sự chủ động, linh hoạt cho địa phương và cơ sở triển khai thực hiện. Bởi các quy định hiện nay tại Điều 51 quy định (Mua sắm tập trung được thực hiện ở cấp quốc gia và cấp địa phương); Điều 53 (Lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc); Điều 54 (Ưu đãi trang mua thuốc); Điều 55 (Cung cấp sản phẩm, dịch vụ công) và các quy định về đấu thầu trong Dự án Luật chưa đủ để điều chỉnh giải quyết điểm nghẽn về đấu thầu thuốc, vật tư trang thiết bị y tế hiện nay.

ĐẨY MẠNH VIỆC ĐẤU THẦU QUA MẠNG

Hiện nay các quy định về đấu thầu qua mạng được quy định tại Luật Đấu thầu hiện hành, Nghị định 63 năm 2014 của Chính phủ và nằm rãi rác tại các Thông tư: số 04 năm 2017, số 05 năm 2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; số 58 năm 2016 của Bộ Tài chính. Qua thực tiễn, đấu thầu qua mạng đã mang lại hiệu quả tiết kiệm thời gian, kinh phí và tăng cường tính minh bạch, công khai.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến thống nất cần đẩy mạnh việc đấu thầu qua mạng, bổ sung các chính sách, sự đầu tư của nhà nước để hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, nhân lực vận hành mạng đấu thầu quốc gia và quy định có tính bắt buộc thực hiện đấu thầu qua mạng.

Tuy nhiên, Dự thảo Luật chỉ quy định 3 điều (Điều 48-50) về nội dung này, trong khi các quy định pháp luật về đấu thầu qua mạng đang nằm ở nhiều văn bản Thông tư như nói trên. Vì vậy Ban soan thảo cân nhắc, rà soát đánh giá năng lực của tổ chức đấu thầu qua mạng để quy định lộ trình phù hợp bắt buộc đấu thầu qua mạng; Trách nhiệm của các bộ có liên quan đối với an toàn của mạng đấu thầu quốc gia; cơ sở dữ liệu, bảo đảm đấu thầu qua mạng an toàn, hiệu quả, có tính liên thông với các hệ thống khác… để luật hóa vào luật cụ thể.

BẢO ĐẢM THỐNG NHẤT TRONG QUẢN LÝ, ĐIỀU HÀNH GIÁ 

Phát biểu thảo luận về dự thảo Luật Giá (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Yến cơ bản thống nhất với bố cục gồm 8 Chương, 72 Điều. Dự thảo Luật cơ bản kế thừa, cụ thể hóa các quy định về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật hiện hành; đồng thời sửa đổi, chuẩn hóa các thuật ngữ cho hợp với thực tiễn và pháp luật có liên quan, tạo cơ sở pháp lý bảo đảm thống nhất trong thực tiễn áp dụng; bỏ quy định về thanh tra chuyên ngành về giá để đảm bảo thực hiện thống nhất theo Luật Thanh tra.

Bên cạnh đó, đã bổ sung quy định về nguyên tắc áp dụng Luật Giá với các luật khác có liên quan để xử lý các chồng chéo nhằm tăng cường tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật về giá.

Người dân mua sắm tại GO! Bà Rịa trong dịp Quốc khánh 2/9. Ảnh: ĐÔNG HIẾU
Người dân mua sắm tại GO! Bà Rịa trong dịp Quốc khánh 2/9. Ảnh: ĐÔNG HIẾU.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thị Yến  nhận thấy việc quản lý giá hiện đang có rất nhiều luật liên quan điều chỉnh như Luật Nhà ở, Luật giao thông đường bộ, Luật Thủy lợi, Luật Đất đại, Luật Khám chữa bệnh, Luật hàng không dân dụng, lật đấu thầu…, do đó để đảm bảo tính thận trọng, đồng bộ của hệ thống pháp luật, tôi đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát, xử lý các mâu thuẫn, chồng chéo, với các luật liên quan, để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, đảm bảo yêu cầu công khai, minh bạch, ổn định và thống nhất trong quản lý, điều hành giá.

BÌNH ỔN GIÁ LINH HOẠT, HIỆU QUẢ

Quan tâm đến nội dung Điều 19 - Về hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá đại biểu Nguyễn Thị Yến cho biết, hiện nay, Luật Giá hiện hành có phạm vi và biện pháp bình ổn giá chưa linh hoạt, hiệu quả khi có phát sinh biến động giá của những mặt hàng thiết yếu, quan trọng đối với đời sống nhân dân và toàn xã hội, nhất là trong điều kiện thiên tai, dịch bệnh, khó khăn trong việc quyết định triển khai bình ổn giá.

Theo đó, cả 2 tiêu chí là khi giá hàng hóa, dịch vụ có biến động bất thường hoặc khi mặt bằng giá biến động bất hợp lý ảnh hưởng đến ổn định kinh tế, xã hội là khó lượng hóa được tại thời điểm này, nhất là phải nhận diện yếu tố bất hợp lý...

Để khắc phục những hạn chế, tồn tại, tại Dự thảo Luật giá (sửa đổi), đã đề xuất danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá sẽ được giao thẩm quyền cho Chính phủ quy định chi tiết trên cơ sở các nguyên tắc chặt chẽ được quy định tại Luật. Đồng thời, tăng cường phân công, phân cấp, rõ trách nhiệm trong việc triển khai bình ổn giá trên phạm vi cả nước và trên địa bàn.

Tuy nhiên hiện tại, Dự thảo Luật chỉ quy định nguyên tắc xác định danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá và giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm tính linh hoạt. Như theo Điều 19 dự thảo Luật hàng hóa, dịch vụ bình ổn là “Hàng hóa, dịch vụ thiết yếu”; “tác động ảnh hưởng toàn diện đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ” là quá rộng.

Trong khi đó Danh mục các hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá chi tiiết sẽ được rà soát trên 11 nhóm hàng hóa, dịch vụ theo Luật Giá năm 2012 để kế thừa, điều chỉnh phù hợp. Vì vậy đại biểu Nguyễn Thị Yến đề nghị đề nghị trong quá trình rà soát, Ban soạn thảo phải đánh giá được “tác động của hàng hóa, dịch vụ” thì mới đưa vào danh mục bình ổn giá vì Bình ổn giá được xác định là một biện pháp nhằm ứng phó với những biến động bất thường của giá cả trong những bối cảnh kinh tế xã hội nhất định. Mặt khác trong 03 dự thảo Nghị định ban soạn thảo trình lấy ý kiến kèm theo dự thảo Luật Giá (sửa đổi), chưa thấy có quy định có Danh mục các hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá chi tiết kèm theo, nên rất khó góp ý.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Yến, sau tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 cho thấy việc điều tiết bình ổn giá, nhất là giá xăng dầu gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù giá xăng dầu đã bước đầu giảm nhưng giá cả của nhiều mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân vẫn ở mức cao gây ảnh hưởng đến cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường và cuộc sống của người dân. Tình hình biến động của thị trường hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân, nhất là những mặt hàng lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng, trang thiết bị y tế, đặt ra yêu cầu cấp thiết về kiểm soát và bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu. Vì vậy, tôi đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, sớm bổ sung danh mục này trên cở sở thực tiễn, khoa học và đánh giá đúng tác động để đảm bảo căn cứ pháp lý.

Người dân đổ xăng tại cây xăng Petrolimex trên đượng 30/4, TP. Vũng Tàu. Ảnh: ĐÔNG HIẾU
Người dân đổ xăng tại cây xăng Petrolimex trên đượng 30/4, TP. Vũng Tàu. Ảnh: ĐÔNG HIẾU.

HẠN CHẾ MỨC TĂNG, GIẢM GIÁ XĂNG DẦU ĐỘT BIẾN

Liên quan đến Quỹ bình ổn giá (Điều 22), đại biểu Nguyễn Thị Yến đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét quy định và duy trì đối với Quỹ bình ổn giá xăng dầu, có cơ chế đặc thù để trích lập, sử dụng được thực hiện gắn với các kỳ điều hành giá nhằm tạo bước đệm, hạn chế mức tăng, giảm giá đột biến, ảnh hưởng đến kinh tế- xã hội.

Qua nghiên cứu, theo dõi cho thấy tại thời điểm này giá xăng dầu diễn biến vẫn rất thất thường, khó dự báo, nên cơ chế Quỹ rất cần thiết để điều hành giá trong nước nhằm hạn chế những biến động lớn về giá vì thị trường xăng dầu của Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn vận hành theo quy luật thị trường, còn có sự điều hành của Nhà nước, khi quản lý điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước vẫn thông qua giá cơ sở thì việc bỏ Quỹ hiện tại là chưa phù hợp.

Mặt khác thực tế thời gian qua cho thấy, khi giá xăng dầu thế giới biến động thì Quỹ Bình ổn đã phát huy vai trò “điều hòa”, góp phần giảm được tần suất và mức điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu, giảm biên độ biến động của giá, từ đó đã giảm thiểu các tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định đời sống người dân.

CHÂU VŨ - PHÚC LƯU (Báo Bà Rịa - Vũng Tàu)


Đánh giá: